Cần chuẩn bị những gì khi cho con học nội trú là tâm lý lo lắng của nhiều phụ huynh. Với hơn 15 năm kinh nghiệm quản lý nội trú, trường Quốc Trí sẽ tổng hợp tất cả những điều cha mẹ cần chuẩn bị cho con trong suốt quá trình học.
Nội dung bài viết
1. Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho con
Điều quan trọng khi sống trong một môi trường tập thể là học sinh cần có tính kỷ luật cao, tự lập và hòa đồng. Chị Nguyễn Thanh Hương – phụ huynh hiện có con học tại một trường nội trú ở Hà Nội – chia sẻ: “Từ khi cho con học nội trú, vợ chồng tôi không còn phải vội vã sớm tối đưa đón cháu. Chúng tôi cũng không cần nhờ người đưa con đi học thêm tiếng Anh, lớp Nghệ thuật, hay lo ngại vấn đề an toàn giao thông. Đặc biệt, tôi không còn lo về việc con có tập trung học hay mải chơi”.
Theo phụ huynh này, mọi lịch sinh hoạt, giờ ăn uống ngủ nghỉ, học tập của con chị đều diễn ra theo thời gian biểu và trong khuôn viên trường, có sự quản lý của thầy cô chủ nhiệm, quản nhiệm. Mỗi cuối tuần khi trẻ về nhà, gia đình chị cùng nhau chia sẻ về sở thích, định hướng. Trẻ cũng kể với cha mẹ những chuyện thú vị đã xảy ra ở trường.
Chị Hương cũng bật mí thêm: “Khi học xa nhà, con trưởng thành lên trông thấy. Bây giờ cháu đã có chính kiến riêng, chứ không còn bảo gì nghe nấy nữa. Ban đầu, tôi cũng hơi bất ngờ. Mặc dù thời gian bên con ít hơn trước, nhưng trẻ đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tích cực”.
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống ATC, giảng viên kỹ năng mềm – cho biết, khi học tại trường nội trú, cơ sở giáo dục sẽ có một lộ trình riêng. Do đó, trẻ không chỉ học tập, được quan tâm giám sát từ nhà trường, mà còn có những chương trình vui chơi, phát triển thể chất và tinh thần khác.
Trẻ cũng được tập sống tự lập, có nhiều mối quan hệ. Tuy nhiên, học nội trú cũng lấy đi thời gian của trẻ bên gia đình. Sự trò chuyện trực tiếp giữa cha mẹ và con giảm, thiếu vắng sự va chạm một số khía cạnh thực tế xã hội. Sự tự trải nghiệm, khám phá của trẻ cũng hạn chế theo.
Theo Thạc sĩ Thịnh, để chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi học nội trú, cha mẹ cần giúp con đón nhận lối sống theo khuôn khổ, kỷ luật. Trẻ cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích nghi với những mối quan hệ, công việc, học tập nhiều hơn… Ngoài ra, phụ huynh cũng được khuyến khích trò chuyện và làm rõ mục tiêu muốn con học nội trú.
Ví dụ, cha mẹ có thể nói về lý do, như vì hoàn cảnh gia đình, hay vì muốn tốt cho con. Nhờ đó, để trẻ hiểu và chấp nhận. Cha mẹ cũng cần làm rõ với trẻ rằng, khi học nội trú, con sẽ xa gia đình. Thời gian cha mẹ gặp trực tiếp con sẽ giảm và xem cảm xúc của trẻ thế nào.
2. Xác định những vật dụng cần thiết
Hãy kiểm tra danh sách vật dụng cần mang theo của trường. Phụ huynh phải đảm bảo rằng con đã chuẩn bị đủ mọi thứ từ quần áo đến đồ dùng học tập và vật dụng cá nhân.
Quần áo/ Giày dép: Con cần chuẩn bị đủ quần áo như đồng phục, đồ ngủ, giày dép để phục vụ cho việc sinh hoạt hàng ngày của con.
Tập/ Sách: Con nên chuẩn bị đầy đủ tập sách, vở, bút, điện thoại và các dụng cụ học tập khác để tham gia vào quá trình học tập một cách hiệu quả.
Đồ dùng sinh hoạt cá nhân: Các vật dụng sử dụng hằng ngày của con như bàn chải, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội,…và các vật dụng khác thuận tiện cho việc vệ sinh cá nhân và đồng thời rèn luyện cho con kỹ năng tự chăm sóc.
Chăn/ mền: Một giấc ngủ tốt là một yếu tố cực kì quan trọng giúp con lấy lại năng lượng và tăng cường sự tập trung trong việc học.
Ổ khóa: Một vật dụng cũng không thể thiếu khi con học nội trú. Một công cụ an ninh giúp bảo vệ các tài sản cá nhân và giữ an toàn cho không gian riêng tư của con. Đây cũng là cách giúp con phát triển thêm kỹ năng quản lý.
3. Thường xuyên giao tiếp với con trong suốt quá trình học
Học nội trú đồng nghĩa với việc con sẽ xa nhà, xa cha mẹ, ít nhiều thì thời gian đầu tâm lý của con sẽ thay đổi. Đây là lúc các con cần sự quan tâm của ba mẹ và thầy cô nhiều nhất. Dù là thông qua cuộc gọi điện thoại, tin nhắn hay mạng xã hội, ba mẹ hãy cố gắng giao tiếp thường xuyên với con trong thời gian này để con cảm thấy được quan tâm và ủng hộ.
Cuối tuần khi con về nhà, ba mẹ có thể dành nhiều thời gian cho con hơn. Thường xuyên hỏi han con về tình hình học tập, bạn bè, thầy cô. Ngoài ra ba mẹ cũng có thể cùng con tham gia những hoạt động ngoài trời như đi giã ngoại, đi xem phim,… để cũng cố tình cảm gia đình. Thể hiện rằng con luôn được ba mẹ quan tâm và yêu thương.
4. Phải phối hợp với nhà trường
Theo Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh, trường nội trú sẽ có chương trình giáo dục dành cho các em có nhu cầu ở lại. “Trẻ sẽ được giám sát và quan tâm, có những chương trình giúp các em phát triển toàn diện. Vì thế mà việc “rảnh rỗi sinh nông nổi” giảm. Cha mẹ xem đây là một cách để giải quyết vấn đề thì cũng có lý của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý, khi con hết học nội trú ở trường thì sẽ trở về nhà. Gia đình cần có những phương án đồng hành cùng con. Các con sẽ không ở nội trú mãi hay được sự giám sát liên tục. Các con cần được lớn lên, được hướng dẫn đồng bộ từ nhà trường, gia đình”, chuyên gia nhấn mạnh.
Vì vậy, theo Thạc sĩ Thịnh, cha mẹ không nên giao phó tất cả việc giáo dục con mình cho nhà trường. Thực tế, việc giáo dục trẻ cần sự đồng bộ từ nhà trường, gia đình. Gia đình cần dành thời gian và định hướng phù hợp cho trẻ. Đồng thời, dành thời gian tâm sự để hiểu con. Từ đó, đồng hành với trẻ trong hành trình lớn lên, khám phá cuộc sống ở nhiều khía cạnh sức khỏe, gia đình, tình bạn, tình yêu, công việc và những giá trị khác.
“Ngày nay, đời sống vật chất tăng cao. Nhiều gia đình có xu hướng chạy theo đời sống vật chất, lo kinh tế. Kết quả ‘điều tra về kiến thức, thái độ, hành vi của cộng đồng về quyền trẻ em’ tại 10 tỉnh, thành với sự tham gia của 3.000 người cho thấy, các nhu cầu rất quan trọng đối với trẻ, nhưng chưa được gia đình quan tâm là: Vui chơi giải trí, phát triển năng khiếu, quyền được tiếp cận thông tin thích hợp và tham gia những hoạt động xã hội”, chuyên gia dẫn chứng.
Thạc sĩ Thịnh cho biết, điều quan trọng là phần lớn các em cho rằng: “Cha mẹ vẫn chưa hiểu rõ mình; Đa số cha mẹ chưa hiểu vì chỉ lo vật chất, cơm ăn áo mặc cho chúng em, còn lại là không quan trọng”. Vì vậy, thời gian dành cho con, sự quan tâm, yêu thương trẻ cũng giảm đi nhiều.
“Chúng ta hay nói với nhau rằng, gia đình là nơi để về, là bình yên, là hạnh phúc. Vậy mà hôm nay, chúng ta vẫn thấy đâu đó còn nhiều tâm sự của người trẻ về sự cô đơn trong gia đình, mất điểm tựa. Nếu có thể, cha mẹ hãy dành một chút gì đó cho con mình, một chút thời gian bên con mỗi ngày, tâm sự hay chơi cùng con, một vài câu hỏi về ngày hôm nay. Như thế, tôi tin các em sẽ có chút ấm lòng và là động lực để học tập, phát triển, tình thương giữa cha mẹ và con triển nở”, Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh chia sẻ.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho phụ huynh và các em học sinh.
TRƯỜNG THCS – THPT QUỐC TRÍ (thành lập năm 2009)
Địa chỉ: 313 Nguyễn Văn Luông, Quận 6, TP HCM
Hotline: 0868901768 – 0868 472 168
Website: www.quoctri.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/thptquoctri
đăng ký tuyển sinh
Quý phụ huynh, học sinh vui lòng để lại thông tin bên dưới để được trường liên hệ về hồ sơ, các thông tin chi tiết về chương trình đào tạo, chi phí và nội quy của trường.