Trong xã hội hiện đại, bình đẳng giới vẫn đang là một vấn đề đáng quan tâm khi các hành vi bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục trên cơ sở giới vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi. Nhiều nạn nhân không chỉ phải chịu tổn thương về thể chất và tinh thần, mà còn bị đổ lỗi, kỳ thị từ cộng đồng. Tháng Hành Động Vì Bình Đẳng Giới năm 2024, với chủ đề “Không Đổ Lỗi Cho Người Bị Bạo Lực, Xâm Hại, Quấy Rối Tình Dục”, là cơ hội để chúng ta cùng nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động mạnh mẽ từ mọi tầng lớp xã hội.
Thực trạng hiện nay
- “Ăn mặc như vậy thì đáng bị quấy rối.”
- “Tại sao không phản kháng mạnh hơn đi?”
- “Đi về khuya như vậy thì gặp chuyện là đúng rồi.”
- “Nếu cô này không cười xả giao với họ, có lẽ mọi chuyện đã khác.”
- “Đáng lẽ con gái thì không nên ở một mình với người lạ.”
Thay vì những lời cảm thông, động viên thì đây lại là những câu nói mà nạn nhân nhận được khi chia sẻ câu chuyện của mình. Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và quấy rối nơi công cộng, là một vấn đề nghiêm trọng và phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Các báo cáo và thống kê cho thấy rằng nạn nhân thường phải chịu đựng không chỉ những tổn thương về thể chất và tinh thần mà còn cả sự kỳ thị và đổ lỗi từ cộng đồng.
Nhiều nạn nhân không dám lên tiếng hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ vì sợ bị chỉ trích hoặc không được tin tưởng. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, khiến cho bạo lực trên cơ sở giới tiếp tục diễn ra mà không bị ngăn chặn. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng, tăng cường giáo dục về bình đẳng giới, và xây dựng các chính sách hỗ trợ nạn nhân một cách hiệu quả.
Các tổ chức xã hội, chính phủ và cộng đồng cần hợp tác để tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời khuyến khích nạn nhân lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ.
![Việc ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục còn nhiều khó khăn.](https://quoctri.edu.vn/wp-content/uploads/2024/12/image-3.jpeg)
Hậu quả của Victim – Blaming
Hậu quả của xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân rất nghiêm trọng. Trước hết nó tạo ra dư luận “đồng thuận” với hành vi vi phạm pháp luật, coi hành vi xúc phạm, nhân phẩm và thân thể người khác là chuyện bình thường. Không phải tự nhiên mà vừa qua, Hạ viện Tây Ban Nha đã thông qua một dự luật coi tất cả quan hệ tình dục không đồng thuận là hiếp dâm. Đạo luật do Chính phủ đề xuất có tên là “Only Yes Means Yes” (Chỉ khi nói đồng ý mới là đồng ý) đã coi tội lạm dụng tình dục và tấn công tình dục đều đủ điều kiện để gọi là hiếp dâm.
Điều luật này một lần nữa nhắc nhở chúng ta về ranh giới pháp lý và đạo đức. Một cô gái ăn mặc quyến rũ và có cử chỉ thân mật không thể là lý do để ai đó đổ lỗi cho cô ấy nếu chuyện không hay xảy ra.
Trong quy định của pháp luật Việt Nam, không có điều khoản nào về việc nạn nhân có nghĩa vụ ngăn chặn thủ phạm. Nạn nhân có thể bị tấn công nhiều lần bởi một thủ phạm và họ có thể biết thủ phạm đó là ai. Tuy vậy, trong các vụ tấn công tình dục, thường có các yếu tố bất ngờ và thủ phạm lợi dụng sự không thể chống trả của nạn nhân để ra tay.
Ngoài ra, chính sự đe dọa của thủ phạm và đòi hỏi của xã hội về giữ gìn trinh tiết, hay sự đoan trang đối với người phụ nữ một cách vô lý khiến cho nạn nhân không có cơ hội để ngăn chặn sự tái diễn tấn công tình dục. Vì thế, việc đổ lỗi cho nạn nhân trong các trường hợp tấn công tình dục thường là không có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế.
![Hình ảnh Hoa hậu Khánh Vân tham gia chiến dịch “Hãy lên tiếng” kêu gọi phụ nữ dũng cảm tố cáo kẻ quấy rối.](https://quoctri.edu.vn/wp-content/uploads/2024/12/image-2.jpeg)
Không đổ lỗi cho nạn nhân
Victim blaming đang nói rằng nạn nhân đáng phải gánh chịu tội ác mà họ phải chịu đựng. Các tội phạm thường liên quan đến bạo lực, quyền lực và sự kiểm soát. Do đó cần phải hiểu rõ ràng rằng không ai xứng đáng với việc trở thành nạn nhân trong bất kỳ tội ác nào.
Điều quan trọng nhất là cách tiếp cận đổ lỗi cho nạn nhân không có ích lợi gì trong việc giải quyết các vấn đề bạo lực. Trái lại, việc đổ lỗi cho nạn nhân sẽ khiến họ mất tự sự dũng cảm khi lên tiếng đòi lại công bằng cho bản thân mình, lâu dần họ chọn cách im lặng và vòng lặp về bạo lực và quấy rối vẫn tiếp tục. Hãy đặt bản thân vào tình cảnh mà họ phải chịu đựng, nếu là bạn thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào?
Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải chuyển trọng tâm từ đổ lỗi cho nạn nhân sang của tội ác sang thủ phạm, để đảm bảo rằng người phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội ác mà họ đã gây ra.
Một cách để đảm bảo rằng người phạm tội phải chịu trách nhiệm về hành động của họ là phản ứng của cộng đồng. Hệ thống pháp luật và các cơ quan xã hội cần phải làm việc cùng nhau để nâng cao trách nhiệm của người phạm tội, đồng thời giúp đỡ nạn nhân phục hồi về cả thể chất lân tinh thần sau những gì đã xảy ra với họ.
Tội phạm lúc nào cũng có, xã hội nào cũng có, không thể loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên chỉ bằng cách tiếp cận với sự đồng cảm thay vì đổ lỗi, chúng ta mới có thể thực sự mang lại một thế giới công bằng.
THCS VÀ THPT QUỐC TRÍ
Facebook: https://www.facebook.com/thptquoctri
Website: https://quoctri.edu.vn/
đăng ký tuyển sinh
Quý phụ huynh, học sinh vui lòng để lại thông tin bên dưới để được trường liên hệ về hồ sơ, các thông tin chi tiết về chương trình đào tạo, chi phí và nội quy của trường.